Đánh giá từ bên ngoài Đánh giá người Việt Nam

Trong cuốn Sách Xứ Đàng Trong năm 1621 của thương gia người Ý Cristoforo Borri, ông cho rằng khuyết điểm của người Việt ở Đàng Trong là nóng tính và hay xin những thứ mình thấy đẹp, dù người có không muốn cho.[2] Còn trong bài viết về người An Nam trong bách khoa toàn thư của Encyclopædia Britannica xuất bản năm 1911 nhận xét người An Nam tuy thích nhàn hạ nhưng chăm chỉ hơn những dân tộc láng giềng, biết kính trọng bề trên và cha mẹ, nhưng không chân thật và không có cảm xúc mạnh, có tình yêu quê hương, xóm làng. Điều đó khiến người Việt khó có thể ở xa nhà lâu ngày. Từ điển này liệt kê những thói hư của người Việt gồm cờ bạc, hút thuốc phiện, kiêu căng và giả dối.

Nhà truyền giáo người Ý Francesco Buzomi khen ngợi việc xã hội Việt Nam có tổ chức cao, người dân Việt Nam thừa hưởng những đức tính, phong tục "đáng khâm phục" là nhờ Khổng giáo. Cũng theo ông này, "người Việt không nghiêng về văn chương, tính tình không thâm hiểm như người Tàu. Họ không quá nghiêng về quân bị, tính tình không độc ác như người Nhật, dễ nghe, dễ tin và nhiều mê tín nhưng người dân Việt dễ nhận ra lẽ phải, không kiêu căng hay tự tin như người Tàu".[46]

Theo Viện nghiên cứu Hoa Kỳ thì người Việt có 10 tố chất cơ bản sau:[47][48]

  1. Cần cù lao động song dễ thỏa mãn.
  2. Thông minh, sáng tạo, song chỉ có tính chất đối phó, thiếu tầm tư duy dài hạn, chủ động.
  3. Khéo léo, song không duy trì đến cùng (ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng của sản phẩm).
  4. Vừa thực tế, vừa mơ mộng, song lại không có ý thức nâng lên thành lý luận.
  5. Ham học hỏi, có khả năng tiếp thu nhanh, song ít khi học đến nơi đến chốn nên kiến thức không hệ thống, mất cơ bản. Ngoài ra, người Việt học tập không phải chỉ vì kiến thức (nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện, vì kiếm công ăn việc làm, ít vì đam mê).
  6. Hiếu khách song không bền.
  7. Tiết kiệm, song nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô bổ (sĩ diện, khoe khoang, thích hơn đời).
  8. Có tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, song hầu như chỉ trong những hoàn cảnh, trường hợp khó khăn, bần hàn, còn trong điều kiện sống tốt hơn, giàu có hơn thì tinh thần này rất ít xuất hiện.
  9. Yêu hòa bình, nhẫn nhịn, song nhiều khi lại hiếu thắng vì những lý do tự ái, lặt vặt, để tiểu cục làm mất đại cục.
  10. Thích tụ tập, nhưng lại thiếu tính liên kết để tạo ra sức mạnh (cùng một việc, một người làm thì tốt, ba người làm thì kém, bảy người làm thì hỏng).

Người Việt thiếu khả năng sáng tạo. Điều này thể hiện rõ trong các số liệu do các tổ chức quốc tế công bố. Năm 2012, Tổ chức Sở hữu trí tuệ toàn cầu (World Intellectual Property Organization – WIPO thuộc Liên hiệp quốc) công bố chỉ số đổi mới và sáng tạo quốc gia, Việt Nam xếp thứ 76/141 nước, đứng thứ 5 trong khu vực sau Singapore, Malaysia, Brunei Darussalam, Thailand. Chỉ số đổi mới và sáng tạo của Việt Nam nhìn chung ở mức dưới trung bình. Số lượng ấn phẩm khoa học ở Việt Nam vào hàng thấp nhất trong khu vực: bằng 1/5 so với Thái Lan (14.594 bài trong cùng thời gian), 1/3 so với Malaysia (9742 bài), 1/14 so với Singapore (45.633 bài), thấp hơn cả Indonesia (4389 bài) và Philippines (3901 bài).[49] Chính vì vậy đóng góp của người Việt cho thế giới rất ít. Trong bảng xếp hạng Chỉ số quốc gia tốt (Good Country Index) của Simon Anholt đánh giá mức đóng góp của các quốc gia cho thế giới, năm 2017 Việt Nam xếp hạng 128/163 nước[50]. Simon Anholt nhận xét "Đáng nói là, các chỉ số như số lượng sinh viên học tập tại nước ngoài, số bài báo quốc tế, số xuất bản phẩm quốc tế, số bằng sáng chế của Việt Nam theo bảng xếp hạng này đều ở mức thấp hơn so với trung bình chung của thế giới".[51]

Theo Marko Nikolic nhà văn người Serbia, sống ở Việt Nam từ 2014:"... Người Việt còn nhiều tính chất mà tôi ngưỡng mộ. Ví dụ, trong mắt tôi, người Việt có một tinh thần tích cực và lạc quan, biết yêu đời và giữ niềm tin vào cuộc sống bất luận họ gặp khó khăn gì trong đời sống. Dù hoàn cảnh nghèo khó, túng thiếu, gian nan đến đâu, người Việt biết giữ lòng nhiệt tình và giữ nụ cười trên mặt, không để suy sụp tinh thần, không mất đi niềm vui giản dị. Họ có thể chịu đựng một cách kiên cường, họ sở hữu một sức đề kháng đáng kinh ngạc, Paul Giran viết trong Tâm lý người An Nam. Dưới một khí hậu khắc nghiệt [...] họ chứng tỏ mình có những phẩm chất lớn lao về sự kiên trì. Ở thái cực khác, nền văn hóa của chúng tôi hay có xu hướng gọi đó là an phận, tức là một thái độ không thực sự tốt vì con người luôn luôn phải phấn đấu để thay đổi số phận và hoàn thiện hoàn cảnh. Cho nên chúng tôi thích nghi ngờ, xem xét lại tình hình, phê phán chính quyền và nắm vai trò chủ động trong việc xây dựng tương lai của mình. Và theo tôi, đây là một thái độ hữu ích mà cả người Việt cần nghĩ tới..."[52]"...Tuy nhiên, tôi có cảm giác người Việt vẫn chưa thực sự tự tin về mình, vẫn tự coi mình kém cỏi, lép vế về giá trị so với người Tây như đang mang mặc cảm, tự ti. Và đây là một điều rất đáng buồn. Tôi hay hỏi ý kiến của học sinh về tính cách người Việt và họ hay đưa ra những từ tiêu cực như bất lịch sự hay lười biếng. Hỏi về lịch sử Việt Nam thì họ lắc đầu, bảo chán như thể không muốn biết đến lịch sử nước mình. Chuyện văn học, điện ảnh cũng vậy: đa phần học sinh của tôi chỉ thích xem phim và đọc sách nước ngoài...."[53]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đánh giá người Việt Nam http://aut.vjol.info/index.php/phil/article/viewFi... http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=module2... http://vnexpress.net/tin-tuc/cong-dong/nguoi-viet-... http://giaitri.vnexpress.net/tin-tuc/gioi-sao/tron... http://en.wikisource.org/wiki/1911_Encyclop%C3%A6d... http://vi.wikisource.org/wiki/Vi%E1%BB%87t_Nam_pho... http://www.bbc.co.uk/vietnamese/images/nhanxet.pdf http://baophapluat.vn/xa-hoi/nhan-dam-to-chat-nguo... http://cafebiz.vn/nguoi-viet-co-tai-gioi-nhu-chung... http://antgct.cand.com.vn/News/PrintView.aspx?ID=5...